GIÁO DỤC CHUYÊN BIỆT HƯNG YÊN
ĐỊA CHỈ: Phòng 302, Tòa loutus star, Trần Quang Khải , Bắc giang
Email : giaoducchuyenbiet.vn@gmail.com
ĐỊA CHỈ: Phòng 302, Tòa loutus star, Trần Quang Khải , Bắc giang
Email : giaoducchuyenbiet.vn@gmail.com
Phương pháp PECS trong can thiệp trẻ tự kỷ và trẻ rối loạn phát triển ngôn ngữ
PECS tên tiếng Anh đầy đủ là Picture Exchange Communication System dịch sang tiếng Việt có nghĩa là hệ thống giao tiếp trao đổi hình (hình ảnh) là một dạng của hình thức giao tiếp thay thế và thúc đẩy giao tiếp trong đó người ta sử dụng hình ảnh dưới các hình thức khác nhau thay cho ngôn ngữ để giúp trẻ có thể học cách giao tiếp. PECS đặc biệt hữu hiệu đối với các trẻ em chậm phát triển ngôn ngữ, tự kỷ hoặc các trẻ em khác có triệu chứng chậm phát triển ngôn ngữ khác.
Được nhà tâm lý nhi, Andrew Bondy và nhà âm ngữ trị liệu, Lori Frost đề ra trong Chương trình tự kỷ Delaware vào năm 1985 như là một công cụ để giúp trẻ em và người lớn đã được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ hoặc hạn chế khả năng giao tiếp khác. Sử dụng những phương pháp dựa trên ABA để đổi hình ảnh theo những gì trẻ muốn.
Hình thức đơn giản và sơ khai nhất của PECS là trẻ được dạy sử dụng các tranh, ảnh các đồ vật/ đồ chơi mà trẻ yêu thích. Khi trẻ muốn một món đồ chơi nào đó, trẻ có thể chọn ra bức tranh mô tả món đồ chơi đó và đưa cho đối tác trong quan hệ giao tiếp (có thể là cha mẹ, cô giáo, hoặc thậm chí là bạn cùng chơi). Đối tác giao tiếp –chủ thể giao tiếp thứ 2 này sau đó sẽ đưa cho bé món đồ chơi mà bé thích. Sự trao đổi này sẽ củng cố quan hệ giao tiếp giữa 2 chủ thể.
PECS cũng được sử dụng để giúp trẻ có thể đưa ra nhận xét về một sự vật hiện tượng mà trẻ nhìn thấy hoặc nghe thấy từ môi trường xung quanh. Ví dụ, một đứa trẻ có thể nhìn thấy một chiếc máy bay bay trên bầu trời và đưa cho người cùng chơi một bức tranh có vẽ hình chiếc máy bay. Khi đứa trẻ bắt đầu hiểu được ích lợi của việc giao tiếp, chúng ta có quyền hy vọng về việc trẻ sẽ có nhu cầu giao tiếp một cách tự nhiên
Các công trình nghiên cứu (Ganz và Simpson, 2004; Liddle 2001) đã chứng tỏ hiệu quả của PECS trong việc dạy trẻ phát triển sớm các kỹ năng, đặc biệt trong việc dạy trẻ chậm phát triển. Một nghiên cứu đối với các trẻ ở độ tuổi mẫu giáo chậm phát triển ngôn ngữ, trong đó có cả một số bé mắc các hội chứng TK cho thấy sau khi áp dụng PECS một cách có hệ thống và có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường, chỉ sau 1 năm, các bé đã có thể không cần sử dụng hệ thống PECS và bắt đầu giao tiếp bằng ngôn ngữ thông thường.
Kết quả này cũng với những kết quả nghiên cứu khác, có thể nói đã chứng tỏ khả năng của PECS với tư cách là một giáo cụ công hiệu cho việc phát triển kỹ năng giao tiếp tự nhiên ở trẻ, trong đó đặc biệt là trẻ tự kỷ và hiệu quả càng rõ nét nếu được áp dụng trước độ tuổi đi học - tức là trước 6 tuổi. Đó chính là mục tiêu chung của chương trình can thiệp theo hướng tiếp cận PECS là phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ. Việc cải thiện chức năng ngôn ngữ là tiền đề cho các chức năng cũng như quá trình tâm lý khác ở trẻ được diễn ra thuận lợi hơn.
* Ưu điểm:
- Rõ ràng hình ảnh mang tính trực quan sinh động kích thích tính chủ động học tập ở trẻ
- Phát triển giao tiếp chức năng nhanh.
- Có thể mở rộng trình độ/ quan hệ giao tiếp cho trẻ: với giáo viên, người thân, bè bạn.
- Phát triển lời nói.
* Hạn chế:
- Cần nhiều thời gian chuẩn bị tài liệu và hình ảnh.
- Tập trung vào khả năng giao tiếp, không phải chương trình bao gồm các lĩnh vực xã hội, vận động…
- Đòi hỏi nhiều công sức.
Vấn đề mấu chốt của PECS là sự khuyến khích động viên/ phần thưởng trưc tiếp bằng chính những đồ vật mà bé yêu thích sau khi bé thể hiện chính xác điều mình muốn qua việc chọn lựa tranh/ ảnh thể hiện đúng đồ vât hiện tượng đó.
Cho dù không sử dụng ngôn từ, trẻ vẫn có thể có được những phần thưởng vật chất như điều mà bé mong muốn. Những phần thưởng vật chất này có ý nghĩa với trẻ hơn là những phần thưởng về tinh thần hay còn goi là những sự tán thưởng của đám đông thông qua thái độ, cử chỉ ít nhất là trong giai đoạn 1- khi trẻ bắt đầu học PECS. Tuy nhiên, nếu việc đạt được phần thưởng vật chất kia là quá khó đối với bé điều đó nghĩa là để tạo thành từ quá khó đối với bé – thì ý nghĩa của việc học giao tiếp sẽ không còn nữa. Hậu quả là sự quấy nhiễu, không hợp tác hoặc những hành vi không kiểm soát được của trẻ bởi vì chính trẻ cũng không hiểu được một cách rành rẽ là trẻ thích gì. Mặc dầu vậy, khi dạy trẻ với PECS vấn đề về hành vi thường sẽ được giải quyết theo chiều hướng tích cực như một lợi ích vô hình của PECS mà mọi người thường không để ý.
Khi trẻ học được cách giao tiếp và giao tiếp một cách có hiệu quả (tức là diễn đạt được điều mình muốn và được mọi người đáp ứng điều đó) thì dù ít dù nhiều sự bức xúc trong trẻ sẽ giảm đi và chất lượng của sự tương tác sẽ thay đổi. Mà bản chất của tự kỷ cũng như sự rối loạn hành vi là vấn đề tương tác.
PECS cũng có tác dụng rất tốt trong việc tăng cường kỹ năng hoà nhập, giao tiếp xã hội của trẻ bởi tại đây trẻ được học để phải tiếp cận người cùng chơi, phải giao tiếp để đạt được điều trẻ muốn.
Vì vậy, một khi PECS phát huy tác dụng cũng là khi các vấn đề về hành vi ở trẻ giảm đi đáng kể.
Khi dạy trẻ bằng PECS, phương pháp ABA cũng sẽ được kết hợp sử dụng để những thông tin mà PECS truyền tải sẽ được củng cố thêm. Hơn thế, trong giai đoạn đầu dạy trẻ bằng PECS, trẻ thường được dạy tìm những bức tranh mô tả các loại thực phẩm tương ứng để được đổi lấy những thực phẩm mà bé thích. Đây chính là một hình thức khuyến khích động viên bé một cách trực tiếp, tích cực để bé sử dụng hình thức giao tiếp này.
PECS có thể được dùng trong nhiều cách khác nhau để giao tiếp. Điển hình PECS là các bức tranh về đồ vật (thức ăn, đồ chơi…) khi trẻ muốn một trong những thứ đó, trẻ đưa tranh cho đối tượng giao tiếp như bố, mẹ, nhà trị liệu, người trông nom hoặc đứa trẻ khác. Đối tượng giao tiếp sau đó sẽ đưa cho trẻ đồ chơi hoặc thức ăn để củng cố giao tiếp. Cuối cùng các bức tranh có thể được thay thế bằng các từ và câu ngắn.
* PECS thường được ứng dụng với 6 giai đoạn/ cấp độ khác nhau:
- Giai đoạn 1: Giao tiếp như thế nào?
- Giai đoạn 2: Khoảng cách và kiên trì
- Giai đoạn 3: Phân biệt tranh
- Giai đoạn 4: Nguyên câu
- Giai đoạn 5: Trả lời “Con muốn gì”
- Giai đoạn 6: Bình luận
* PES cũng có thể được chia thành 5 bước:
- Bước 1: Dạy cho trẻ tên gọi của các vật trong hình.
- Bước 2: Dạy cho trẻ hiểu ý nghĩa của các hình.
- Bước 3: Dạy trẻ yêu cầu bằng hình.
- Bước 4: Dạy trẻ kết nối hình với vật.
- Bước 5: Dạy trẻ kết nối hình với ý tưởng
Địa chỉ: Lô F2 Khu Dân Cư Mới - Như Quỳnh - Văn Lâm - Hưng Yên
Liên hệ cô Nhung : (+84)967.957.798
Liên hệ thầy Ly : (+84)915.655.610
Email : giaoducchuyenbiet.vn@gmail.com