GIÁO DỤC CHUYÊN BIỆT HƯNG YÊN
ĐỊA CHỈ: Phòng 302, Tòa loutus star, Trần Quang Khải , Bắc giang
Email : giaoducchuyenbiet.vn@gmail.com
ĐỊA CHỈ: Phòng 302, Tòa loutus star, Trần Quang Khải , Bắc giang
Email : giaoducchuyenbiet.vn@gmail.com
BÍ QUYẾT XÂY DỰNG NGÔN NGỮ CHO TRẺ BẮT ĐẦU BIẾT NÓI
Các bí quyết này dành cho phụ huynh của những trẻ bắt đầu biết sử dụng từ đơn hay từ ghép.
Hãy khụy thấp xuống ngang bằng với bé bất cứ khi nào có thể. Khi bạn ở vị trí trực diện với bé, bé có khả năng giao tiếp với bạn nhiều hơn vì bé thấy bạn ở ngay đó với bé, quan tâm đến hành động của bé. Điều đó sẽ giúp bạn tận dụng mọi thứ bé đang truyền đạt và biết bé đang quan tâm/hứng thú với điều gì. Trẻ em rất thích người lớn hoàn toàn ngang bằng với trẻ.
Hãy phản hồi những lỗi sai đó bằng cách lặp lại từ và cách nói đúng, sau đó tiếp tục tương tác với bé. Chẳng hạn, nếu bé nói “Mũn” khi chỉ vào cái muỗng, hãy đáp lại bằng cách “Con cần một cái muỗng phải không ?”, nhấn mạnh đặc biệt từ “muỗng” khi bạn nói. Không cần phải sửa bé hay yêu cầu bé lặp lại từ đó lần nữa. Qua việc để bé nghe thấy âm của từ, mà không bị bắt bẻ đúng sai, bé sẽ cảm thấy được khích lệ và sẽ có đủ dữ liệu cần thiết để học từ đúng khi bé sẵn sàng.
Một khi trẻ bắt đầu dùng từ, chúng ta sẽ thường thấy bé cố gắng chơi tưởng tượng – trò chơi giúp xây dựng những kĩ năng về ngôn ngữ. Khuyến khích chơi tưởng tượng bằng cách đưa cho bé những đồ chơi tưởng tượng đơn giản (hãy dùng những đồ vật dạng mô hình thu nhỏ của vật thật như đĩa và thức ăn đồ chơi, rối hình thú và thú nhồi bông, xe cộ và người thu nhỏ, vv...). Mỗi lần, hãy đưa cho bé một bộ đồ chơi (như đĩa và đồ ăn) và quan sát cách bé sử dụng chúng như thế nào. Sau đó cùng chơi với bé, nhưng hãy tuân theo sự hướng dẫn/dẫn dắt của bé, hãy làm theo những gì bé làm (đừng bảo bé phải làm gì). Thỉnh thoảng, hãy thêm vào trò chơi một ý tưởng mới bằng cách biểu diễn một hành động dễ hiểu với các món đồ chơi như thổi tách “trà” vì nó quá nóng. Rồi chờ xem phản ứng của bé như thế nào.
Nếu bạn không chắc phải bắt đầu tương tác với bé như thế nào, hãy bắt chước hành động và âm thanh của bé. Chẳng hạn, nếu bé đẩy xe trên sàn, bạn cũng lấy một chiếc của mình rồi đẩy xe như bé. Nếu bé làm tiếng “Brừm”, bạn cũng làm tiếng y như vậy. Nếu bé để ý đến bạn và lặp lại hành động hay âm thanh như vậy, hãy bắt chước bé lần nữa. Bằng cách này, sự tương tác đã thành công !
Khi bạn không hiểu bé đang nói gì, hãy để ý ngữ cảnh và vật/cái mà bé có vẻ đang chú ý. Điều này có thể giúp bạn tìm ra thông điệp của bé. Sau đó đưa ra phỏng đoán sát nhất dựa trên những dự kiện này. Nếu bạn vẫn chưa đoán được, cố gắng làm theo những gì bé nói. Nhiều khi trẻ thấy bạn đang cố gắng để hiểu trẻ nói gì, trẻ sẽ cố gắng gửi lại thông điệp lần hai rõ ràng hơn.
Đưa ra một lựa chọn giữa hai vật (chẳng hạn như “Con muốn một quả táo hay một quả chuối ?), giơ vật ra khi bạn nói từ đó. Bằng cách này, bé sẽ nghe thấy từ được dùng mẫu trong câu hỏi [câu hỏi là mẫu ví dụ về từ] – điều này khiến trẻ đáp lại dễ dàng hơn, nhất là nếu từ xuất hiện sau [quả chuối] là điều bạn nghĩ bé muốn ! Nếu bé chưa sẵn sàng dùng lời, bé có thể với hay chỉ trỏ về phía vật mà bạn đang cầm.
Tạm ngừng ở những thời điểm mấu chốt hay gián đoạn thói quen để cho bé có cơ hội giao tiếp. Chẳng hạn như giữ lại đôi giày của bé trên tay trước khi mang cho bé. Hay đùa bé khi đưa cái nĩa cho bé ăn sữa chua. Bằng cách này, bé sẽ được thúc đẩy giao tiếp. Nếu bé dùng lời thì thật tuyệt. Nếu bé gửi đi thông điệp không lời, hãy thưởng cho giao tiếp này của bé bằng cách nói một từ hay một câu ngắn thể hiện thông điệp của bé như “Con muốn ba mang giày cho con ha” hay “Ui cha, mẹ ngớ ngẩn quá ha. Con cần một cái muỗng để ăn sữa chua mà”. Tốt nhất đừng nên lạm dụng kĩ thuật này, nó được thiết kế để làm bé vui, không phải làm bé thất vọng.
Đừng thất vọng nếu đôi khi bé nói từ nào đó mà lần khác lại không nói. Khi trẻ em bắt đầu học nói, trẻ cần luyện tập việc dùng từ rất nhiều trước khi điều đó trở thành một phần trong vốn từ thường xuyên của trẻ. Hãy tiếp tục đáp lại một cách nhiệt tình tất cả những gì con bạn đang cố gắng giao tiếp (bằng lời và không lời) qua việc phản hồi lại những gì bạn nghĩ bé đang cố nói. Chẳng hạn như, đôi khi bé nói “nớ nớ” thay cho “nước”, nhưng những lần khác, ví dụ khi bạn đang chuẩn bị tắm bé, bé chỉ tạo tiếng động mà không nói vậy nữa, bạn đừng gợi hay nhử bé nói “nớ”. Chỉ cần nói “Mẹ đang đổ nước vào chậu/bồn tắm nè. Ồ, nước rất ấm và dễ chịu”. Bé càng nghe thấy từ đó nhiều, càng dễ ghi nhớ âm của nó và tự nói được dễ dàng hơn.
Cử chỉ là một phần trọng yếu của giao tiếp và giúp bé hiểu bạn đang nói gì. Chẳng hạn, nếu bạn muốn bé rửa mặt, hãy làm điệu bộ rửa mặt khi bạn nói “Được rồi, rửa mặt con ha”. Hoặc nếu bạn đang yêu cầu bé đi lấy giày của bé, hãy chỉ về phía đôi giày trong khi đang đưa ra hướng dẫn. Cử chỉ cũng cung cấp cho bé những ví dụ về thông điệp không lời mà bé có thể tự sử dụng. Ngoài ra, cử chỉ được ví như một chiếc cầu nối đến học tập diễn đạt từ mà nó đại diện.
Khi bé nói một hay hai từ, hãy giúp bé học các bước kế tiếp bằng cách mở rộng thông điệp của bé. Bằng cách chuyển từ đơn hay ghép mà bé nói sang một câu ngắn, có ngữ pháp. Chẳng hạn như nếu bé nói “đèn” khi bạn bật đèn, bạn có thể nói “Đèn sáng rồi.” Hay nếu bé nói “xe hơi” vì muốn bạn đẩy chiếc xe, bạn có thể nói “Được rồi, mẹ sắp đẩy xe cho con nè.”
Qua việc nghe thấy bạn mở rộng thông điệp của bé, bé đã học được các bước kế tiếp để sử dụng ngôn ngữ - cái mà bé sẽ sử dụng khi bé sẵn sàng.
Địa chỉ: Lô F2 Khu Dân Cư Mới - Như Quỳnh - Văn Lâm - Hưng Yên
Liên hệ cô Nhung : (+84)967.957.798
Liên hệ thầy Ly : (+84)915.655.610
Email : giaoducchuyenbiet.vn@gmail.com